PHU VĂN LÂU, NGHÊNH LƯƠNG ĐÌNH – KIẾN TRÚC ĐẶC SẮC DÀNH CHO DÂN CHÚNG THỜI NGUYỄN

08/10/2020 15:350 GMT+7


Triều đình nhà Nguyễn một thời không chỉ được biết đến qua một Đại Nội bề thế mà còn là cả các công trình xung quanh. Mỗi công trình có một kiến trúc, chức năng riêng biệt tạo nét đặc sắc riêng cho cả một tổng thể. Nằm bên dòng sông Hương, án ngữ trước Kỳ đài, hai công trình Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình mang dáng dấp uy nghi của một triều đại lịch sử.

Xem thêm: 

 Tour Cù Lao Chàm trong ngày giá tốt nhất

 Đặt vé Bà Nà hill giá cực hot

 Tour Huế 1 ngày - khám phá nét đẹp cổ kính, thơ mộng

 

PHU VĂN LÂU

Phu Văn Lâu nằm ở đâu?

Phu Văn Lâu là một tòa lầu chính nằm ngay trước Kỳ Đài trên Quốc lộ 1, trên trục chính của Hoàng thành Huế. Lầu nằm quay mặt về hướng Nam. Ngay trước mặt Phu Văn Lâu có một cái sân rộng dẫn đến nhà Nghinh Lương đứng trên bờ sông Hương.

Phu là trưng bày, Văn là văn thư, Lâu là lầu – đây là cái lầu trưng bày văn thư của triều đình nhà Nguyễn thời xưa.

Những sự kiện quan trọng tại Phu Văn Lâu

Vào đầu thời vua Gia Long (1802-1819), đây chỉ là một tòa nhà nhỏ có tên Bảng Đình, dùng làm nơi công bố các chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng thi Hội, thi Đình cho dân chúng. Năm 1819, Bảng Đình được thay thế bằng một ngôi nhà với kiến trúc to 2 tầng mái với 16 cây cột, xung quanh không có vách, tạo nét thanh tú và độc đáo với tên gọi Phu Văn Lâu. Phu Văn Lâu còn là nơi ban phát lịch hoặc các sinh hoạt vui chơi dành cho dân chúng do triều đình tổ chức… Thời Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hòa sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu.

Năm 1821, sau khi truyền lô, danh sách các khoa danh tiến sĩ được đem niêm yết tại đây. Vì tính long trọng như vậy nên hai bên lầu có hai bia đá “khuynh cái hạ mã” nhắc nhở tất cả mọi người đi ngang qua Phu Văn Lâu  phải “nghiêng nón xuống ngựa” để tỏ lòng kính cẩn. Hai bên trước mặt Phu Văn Lâu  có đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau.

Năm 1829, vua Minh Mạng dùng nơi đây làm địa điểm tổ chức cuộc đấu giữa voi và hổ. Năm 1830, nhà vua này lại tổ chức cuộc vui chơi yến tiệc suốt 3 ngày để mừng sinh nhật của mình. Về sau các vua Thiệu Trị, Tự Đức cũng giữ cái lệ ấy nhân những ngày khánh thọ của minh. Vua Thiệu Trị xem sông Hương và lầu Phu Văn là một trong 20 cảnh đẹp ở chốn Thần Kinh. Năm 1843, Thiệu Trị cho dựng một nhà bia bên tay phải lầu để khắc bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm (buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương)

Năm 1904, có một cơn bão đã thổi bay lầu Phu Văn, vua Thành Thái đã cho làm lại giống y như cũ.

NGHÊNH LƯƠNG ĐÌNH

Trước mặt Phu Văn Lâu là một ngôi nhà nằm kế bên sông Hương gọi là Nghênh (Nghinh) Lương Đình.

Nghinh Lương Đình tiền thân là Lương Tạ, nằm trong hành cung Hương Giang, dùng để làm nơi nhà vua ra hóng mát và lên thuyền du ngoạn. Ban đầu Lương Tạ là công trình tạm, đầu năm được dựng lên, đến mùa thu được dỡ xuống. Dòng sử liệu đầu tiên nhắc đến Lương Tạ là “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” với nội dung: “Mùa thu tháng 7. Bộ Công tâu đã nói đinh Nghênh Lương đã dựng xong, trở đi gặp ngày kỉ niệm Quốc khánh xin trần thiết trang nhã trong đình ấy cùng diễn kịch diễn hát cho công chúng xem. Vua cho như lời xin”.

Thông tin từ đoạn sử liệu và dòng lạc khoản bằng chữ Hán “Khải Định tam niên nhị nguyệt cát nhật kiến tạo” (xây dựng vào ngày tốt tháng 2 năm Khải Định thứ 3) trên bức hoành phi mặt hướng ra sông Hương của công trinh đã cho thấy, Nghinh Lương Đình đã có tên như ngày nay và được trùng tu từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch năm Khải Định thứ 3 (1918) và tại thời điểm này, chức năng của công trình đã thay đổi, công trình không còn nằm trong hành cung Hương Giang, chỉ dành cho nhà vua mà đã trở thành sân khấu trình diễn kịch hát cho công chúng xem trong các ngày lễ lớn. Với chức năng mới, Nghinh Lương Đình cũng có nét tương đồng với các đình dân gian khác, là trở thành nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, chỉ khác là Nghinh Lương Đình thuộc quyền quản lý của triều đình và chỉ mở cửa cho công chúng trong các ngày kỷ niệm đặc biệt.

Mặc dù hình ảnh Nghênh Lương Đình trở thành biểu tượng cho kiến trúc di sản Huế khi hình ảnh của nó và Phu Văn Lâu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn in trong đồng tiền mệnh giá 50.000 đồng, nhưng hình ảnh Nghinh Lương Đình hiện nay có đích thực là Nghinh Lương Đình thời Nguyễn hay không thì ít người được biết. Nhà sử học Phan Thuận An, phần viết về Nghinh Lương Đình của ấn bản Huế - Kinh Thành và cung điện do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2013, đã mô tả công trình vào giai đoạn 1994-2017. Trong thực tế, Nghinh Lương Đình đã nhiều lần được thay đổi hình dáng mà những lần thay đổi sau này đã làm công trình hoàn toàn khác với những nguyên bản đẹp nhất của nó trong thời kỳ Khải Định (1916-1924)

Bức ảnh sớm nhất về Nghinh Lương Đình là bức ảnh giai đoạn Thành Thái – Duy Tân. Công trình thời điểm này có kiến trúc chồng diêm nhưng không có 02 nhà cầu và được đặt vuông góc với Nghinh Lương Đình hiện tại. Cấu tạo về hình dáng và cách ngăn tường của Nghinh Lương Đình giai đoạn này cho thấy công trình vẫn có tính chất đóng, sự ngăn chia có chủ ý che kín các hoạt động diễn ra đằng sau bức tường theo hướng nhìn từ Kỳ Đài và Phu Văn Lâu, chứng tỏ khi này công trình vẫn đang còn là Lương Tạ.

Đến thời Bảo Đại, Nghinh Lương Đình đã được đặt trên nền cao hơn và hình dáng cũng đã có nhiều điểm khác với hình ảnh công trình thời Khải Định.

Vào năm 1974, công trình đã được Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế tu bổ và hình ảnh của công trình được chụp vào năm 1984 chính là sản phẩm của cuộc tu bổ này. Nhìn vào bức ảnh và so sánh nó với bức ảnh vào thời Khải Định và Bảo Đại sẽ nhận thấy công trình đã bị biến đổi khá nhiều: mái lợp ngói âm dương, tường cổ diềm được xây tụt vào bên trong, bờ quyết mái hạ của công trình được xây cao lên và có ô hộc…Đến năm 1994, công trình một lần nữa được tu bổ theo hình dáng kiến trúc của Nghinh Lương Đình năm 1974 nhưng lần này, toàn bộ mái ngói âm dương của nhà chính đã được thay bằng ngói ống.

Hi vọng những chia sẻ vừa rồi về Phu Văn Lâu, Nghênh Lương Đình - Kiến trúc đặc sắc dành cho dân chúng thời Nguyễn của Smiletravel sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến đi khám phá sắp tới nhé!

Cảm ơn bạn đã theo dõi SmileTravel, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác:

 Những nét dễ thương trong giọng nói của người Đà Nẵng

 Những địa điểm tắm bùn hot nhất tại Đà Nẵng

 Đèn lồng Hội An - nét đẹp của làng nghề truyền thống

 

Smile Travel

Theo Bunie

Zalo