Kỳ 3 : DÒNG DÕI CHÍN CHÚA NGUYỄN

26/12/2017 10:090 GMT+7


Mời quý đọc giả tiếp tục với kỳ 3 bài viết dòng dõi chín chúa Nguyễn

Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú ( 1725 – 1738)

Nguyễn Phúc Chú hay Nguyễn Phúc Thụ sinh năm Bính Tý  ( 1697), là con trai cả của chúa Quốc, khi chúa Quốc mất được lên ngôi Chúa lúc đó đã 30 tuổi, xưng hiệu là Ninh Vương. Vì chúa sùng đạo Phật nên còn có hiệu là Vân Truyền Đạo Nhân.

Năm 1729, Sá Tốt xách động dân Chân Lạp quấy nhiễu vùng Sài Gòn. Chúa Ninh sai Trương Phước Vĩnh và Nguyễn Cửu Triêm đánh bắt, sai đặt sở Điều khiển ở Sài Gòn.

Vua Chân Lạp là Nặc Tha sợ vạ lây, liền gửi thư cho tướng Vĩnh để thanh minh rằng mọi việc trên đều do Sá Tốt gây ra, và xin đem hai vùng đất là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhô (Vĩnh Long) dâng chúa Ninh để cầu hòa (1732). Bấy giờ, thấy đất Gia Định (tức toàn miền Nam) rộng rãi quá, để tiện việc coi giữ, chúa Ninh cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, bổ nhiệm quan lại rồi đưa thêm dân Việt đến khai hoang lập nghiệp.

Tháng giêng năm Quý Sửu (1733), chúa Ninh cho đặt đồng hồ ở các dinh trấn. Các đồng hồ này được chế tạo ở trong nước và phỏng theo kiểu cách phương Tây.

Năm 1735, Tổng binh Hà Tiên là Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tứ kế tục sự nghiệp của cha. Năm sau, 1736, Mạc Thiên Tứ được chúa Ninh phong làm Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên, để giữ gìn và mở mang xứ ấy.

Ở ngôi chúa 13 năm, chúa Nguyễn Phúc Chú qua đời năm 1738, thọ 42 tuổi. Sau này, nhà Nguyễn suy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế.

Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát ( 1738 – 1765)

Nguyễn Phúc Khoát sinh năm 1714, là con trưởng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú. Nối ngôi khi 25 tuổi, lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân.

Năm 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập một quốc gia riêng tách hẳn khỏi đàng Ngoài, điều mà các chúa trước chưa ai từng làm. Chúa cho đức ấn Quốc Vương, lên ngôi vua ở phủ Phú Xuân, ban chiếu bố cáo thiên hạ. Nhân dân tôn xưng gọi ngại là “ chúa Võ” hay “ Võ vương”.

Kể từ đó, có nhiều cải cách được ban hành, như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi...

Từ nǎm Giáp Tuất (1754), để xứng đáng với kinh đô của Nguyễn Vương, Phú Xuân được xây dựng thêm hàng loạt cung điện theo quy mô đế vương. Đặc biệt chiếc áo dài Việt Nam tha thướt xinh đẹp như hiện nay, phải trải qua một quá trình phát triển, nó được hình thành từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Năm 1753, Nặc Nguyên chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu lên chúa Nguyễn xin dâng hai vùng là Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công) để tạ tội (1756).

Năm 1757 Nặc Nhuận dâng cho chúa Nguyễn vùng Préah Trapeang (Trà Vinh) và Srok Trang (Sóc Trăng) để được Chúa Vũ phong làm vua Chân Lạp

Năm 1757, vua Nặc Tôn xin dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc bây giờ) để tạ ơn chúa Nguyễn. Đến đây, kể như vùng đất Nam Bộ ngày nay đã thuộc về Chúa Võ.

Sau khi hoàn thành công cuộc Nam tiến của mình, trong những năm cuối đời, Chúa Vũ đâm ra say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước nữa.

Để dễ dàng trong việc tiếm quyền, chính Trương Phúc Loan đã khuyến dụ Chúa Võ đi vào con đường nữ sắc. Một cung phi rất được ngài sủng ái là Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, con của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền. Cuộc tình loạn luân này là mầm mống gây cảnh suy tàn của triều đại sau này.

Ngày 20 tháng 5 năm Ất Dậu (7 tháng 7 năm 1765), Chúa Vũ qua đời, ở ngôi 27 năm, thọ 51 tuổi. Sau này nhà Nguyễn suy tôn ông là Thế Tông Trí Hiếu Vũ Hoàng Đế.

Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần ( 1765 – 1777)

Nguyễn Phúc Thuần sinh năm 1753, là con thứ 16 của chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Võ Vương lúc đầu lập con thứ 9 là Phúc Hiệu làm thái tử, nhưng Hiệu mất sớm, con trai Hiệu là Hoàng tôn Phúc Dương còn thơ ấu mà hoàng tử cả là Chương cũng đã mất. Hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân cũng rất khôi ngô tuấn tú, theo thứ tự sẽ phải lập Hoàng tôn Dương hoặc Phúc Luân lên ngôi nên đã trao Luân cho một thầy học nổi tiếng là Trương Vǎn Hạnh dạy bảo. Nhưng khi Võ Vương mất, tình hình lại đảo ngược. Quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Phúc Luân vì Luân đã lớn tuổi, khó bề lộng hành. Trương Phúc Loan lại chọn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi vua. Phúc Luân không được lập mà còn bị bắt giam.

Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi, mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan sắp đặt. Loan tự phong là Quốc phó. Loan thâu tóm toàn bộ từ chính sự đến kinh tế. Các nguồn lợi chủ yếu của vương quốc Đàng Trong đều rơi vào tay Trương Phúc Loan và họ hàng của hắn.

Nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu ở Quy Nhơn được nhân dân đồng tình ủng hộ ngày càng lớn mạnh. Thêm vào đó, tháng 5 nǎm Giáp Ngọ (1774) Chúa Trịnh lại cho đại quân vào đánh Nguyễn. Cả nghĩa quân Tây Sơn lẫn quân Trịnh đều nêu khẩu hiệu : "Trừ khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phò Hoàng tôn Dương". Chiến tranh loạn lạc lại nổ ra, đất Thuận Hoá trước trù phú là thế mà nay trǎm bề xơ xác tiêu điều, người chết đói đầy đường. Trước tình cảnh đó, không có cách nào khác, tôn thất nhà Nguyễn cùng nhau lập tức bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Tháng 12 nǎm 1974, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân và đặt quan cai trị Thuận Hoá. Trong số quan lại nhà Trịnh cử vào trấn thủ Thuận Hoá có Lê Quý Đôn (1776).

Đại quân Tây Sơn cả thuỷ lẫn bộ đánh vào Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Định Tường rồi lại chạy sang Long Xuyên. Tháng 9 nǎm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh đánh chiếm Long Xuyên, chúa Nguyễn bị chết trận. Như vậy Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi chúa được 12 nǎm, thọ 24 tuổi không có con nối. Sau triều Nguyễn truy tôn là Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế. Định vương Nguyễn Phúc Thuần chết, kết thúc giai đoạn lịch sử của 9 đời chúa Nguyễn Đàng Trong.

Smile Travel

Theo Smile Travel

Zalo