KINH NGHIỆM DU LỊCH ĐẦM CHUỒN HUẾ MỚI NHẤT 2020

02/09/2020 22:030 GMT+7


Nhắc tới Huế đầu tiên bạn sẽ nghĩ ngay đến sông Hương núi Ngự,lăng tẩm đền đài trăm năm tuổi, những kiến trúc đã làm nên tên tuổi của một Cố Đô trầm mặc,yên ả nhưng không kém phần trẻ trung, sôi động bởi nhịp sống của con người nơi đây. Trong chuỗi bài viết kinh nghiệm du lịch Huế lần này, Smile Travel sẽ giới thiệu cho các bạn đam mê khám phá, thích trải nghiệm cảm giác mới mẻ một địa điểm rất quen thuộc đối với người dân bản địa nhưng vô cùng xa lạ với du khách đó là đầm Chuồn.

1. Đầm Chuồn ở đâu ?

• Đôi nét về đầm Chuồn:

Đầm Chuồn có tên đầy đủ là Đầm Chuồn An Phú, thực chất cái tên này gắn liền với làng An Truyền xã Phú An tỉnh Thừa Thiên Huế nơi mà hôm nay Smile Travel sẽ cùng mọi người khám phá du lịch Đầm Chuồn. Đầm Chuồn còn có tên gọi khác là đầm Cầu Hai, nơi đây tạo hóa đã ban tặng cho thiên nhiên xứ Huế một phong cảnh non nước hữu tình vô cùng đặc sắc; kết hợp cùng với đầm Sam, Hà Trung, Thủy Tú đầm Chuồn tạo nên một hệ thống đầm phá có diện tích mặt nước hơn 200km2,góp phần không nhỏ trong việc mở rộng quy mô thành hệ thống đầm thủy sinh Tam Giang - Cầu Hai dài gần 70 km, rộng hơn 350 km2 diện tích bề mặt đạt kỉ lục đầm phá lớn nhất Đông Nam Á.

• Đầm Chuồn Huế ở đâu?

Đến Huế ghé thăm địa điểm du lịch Đầm Chuồn rất dễ dàng vì đường dễ đi, gần trung tâm thành phố và trong hành trình đường có nhiều cảnh đẹp, thú vị để trải nghiệm. Cách thành phố Huế hơn 10 km về phía Đông Nam, Đầm Chuồn thuộc địa phận làng An Truyền, xã Phú An, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Smile Travel hướng dẫn các bạn xuất phát từ Đà Nẵng, sau khi chinh phục đèo Hải Vân hùng vĩ nơi được mệnh danh "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" thì các bạn tiếp tục đi về phía Bắc để đến trung tâm thành phố Huế với thời gian di chuyển khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Tiếp tục khi vào địa phận thành phố Huế, các bạn sẽ rẽ phải ở ngã tư đường Nguyễn Tất Thành - Tự Đức để vào đường Tự Đức, tiếp tục đi thẳng 7km đến cuối đường phía tay phải của các bạn sẽ hiện ra một làng quê yên bình, nơi hội tụ điểm kết thúc của dòng nước sông Hương chia thành hai con sông nhỏ: Như Ý, Phổ Lợi đổ ra cửa biển Thuận An ngay tại phá Tam Giang mà cụ thể là đầm Chuồn.


• Thời điểm lý tưởng để tham quan đầm Chuồn Huế:
Để trả lời câu hỏi này Smile Travel bật mí cho bạn rằng bạn có thể du lịch Đầm Chuồn bất kì thời gian nào vào mùa xuân cho đến mùa thu, đặc biệt ở đây bạn có thể khám phá theo thời gian và không gian trong một ngày vô cùng thú vị và đặc sắc nữa! Vào thời gian những ngày nắng nước trong xanh bạn có thể dạo chơi ở đây, cùng trải nghiệm một ngày cực kì thú vị bằng cách lội nước ra giữa đầm phá vào lúc thủy triều xuống, hay ngồi trên thuyền đi hết đầm Chuồn và thử cảm giác ngắm hoàng hôn ở đây xem sao đi, đảm bảo vô cùng tuyệt vời và cảnh sông nước mây trời vô cùng hùng vĩ luôn!

• Hướng dẫn đường đi chi tiết nhất 

Như Smile Travel đã hướng dẫn khái quát ở trên, đường đến du lịch Đầm Chuồn vô cùng dễ đi và có nhiều thú vị đê trải nghiệm, trước hết chúng ta hãy cùng nhìn lại hành trang của mình, đổ đầy xăng cho con xe để đủ sức phiêu lưu cùng gió, tìm kiếm cho mình một bạn đường hay có thể đi cùng nhóm bạn thân, thêm vào trong giỏ xách vài chai Strongbow vị mật ong để chill cùng cảnh sắc đất trời sông nước cũng là một ý tưởng hay ra phết đấy.

Đường đi đến đây có hai sự lựa chọn:

Xuất phát từ trung tâm thành phố: từ trung tâm thành phố Huế về đến đầm Chuồn khoảng 11km về hướng Đông Bắc, các bạn tìm đường Nguyễn Sinh Cung, đi trên con đường này sẽ cảm nhận được sự xanh mướt của những khu nhà vườn Vỹ Dạ đã đi vào thơ ca của Hàn Mặc Tử, êm đềm của dòng Hương chảy qua Đập Đá và đột ngột xuất hiện cồn Hến rẽ ngang với đặc sản cơm hến siêu ngon, đi hết con đường này sẽ nối thẳng vào con đường quốc lộ 49B, tiếp tục đi thẳng các bạn sẽ gặp ngã ba Diên Trường, từ địa điểm này đi thêm khoảng 700m nữa sẽ có một con đường bên tay phải đi dọc theo đầm phá vùng nước lợ rất dễ thấy. Và đây rồi, chính là vùng sông nước tìm về chốn yên bình đây! Đi vào con đường này chính là về với làng An Truyền, đầm Chuồn đấy các bạn nhé!


Xuất phát từ Đà Nẵng cùng Smile Travel: Smile Travel sẽ đồng hành cùng bạn trải nghiệm và khám phá chuyến đi này theo cách chân thực và sống động nhất! Từ Đà Nẵng, sau khi vượt qua Hải Vân quan hùng vĩ, tiếp tục qua hầm Phước Tượng bạn sẽ ngắm nhìn được đầm Tam Giang - Cầu Hai, điểm cuối cùng của đầm phá Tam Giang, để đến được đầm Chuồn chúng ta hãy cùng đồng hành với nhau thêm khoảng 80km, mình sẽ kể cho các bạn nghe về những địa danh nổi tiếng khi đi du lịch Huế ngang đây: về vườn quốc gia Bạch Mã có ngọn thác Đỗ Quyên - khởi nguồn của nhiều dòng sông nổi tiếng như sông Hương, Ô Lâu, Thu Bồn, sông Hàn... về suối Voi có tảng đá hình thù giống một con voi tắm mát bên suối, về cánh đồng Thanh Lam dài rộng bất tận là nơi từng tiến cung những hạt gạo ngon nhất cả nước; sau khi chuẩn bị vào trung tâm thành phố Huế, có một con đường gần hơn so với con đường thứ nhất đó là ngay tại chân cầu vượt Thuỷ Dương, chúng ta sẽ cùng rẽ phải vào đường Tự Đức, đi hết đường Tự Đức sẽ vào đường Võ Văn Kiệt, và cuối đường Võ Văn Kiệt sẽ thấy cổng chào làng An Truyền, vậy là chúng ta đã đến đích rồi đó!

 

2. Đầm Chuồn có gì chơi?

Chắc chắn đây là câu hỏi đặt ra bởi rất nhiều bạn thắc mắc về địa điểm độc đáo này. Đầm Chuồn ở làng An Truyền, ngôi làng truyền thống bao đời nay vẫn giữ được nét mộc mạc ngày xưa với ngói đỏ, những hàng cau xanh vút, mỗi nhà cách nhau bởi những hàng cây gia tàu xanh rờn; có cả những món ăn đặc sắc mà chỉ có vùng này mới thấy, cô hàng chợ An Truyền nổi tiếng với món ngon bánh khoái làng Chuồn, bún nghệ làng An Truyền,  Sau đây, cùng Smile Travel điểm qua những địa điểm đáng chú ý nhé!

• Du lịch đầm Chuồn - ghé đình làng An Truyền nghe câu chuyện "loạn chày vôi"
Đình làng An Truyền nằm ngay trung tâm của làng, trước mặt đình hiện lên ruộng lúa ngát xanh, cánh đồng bao la, xóm làng trù phú, nằm kế bên đầm Chuồn đầy đủ hệ sinh thái động thực vật phong phú, bao la với nỏ sáo cắm dày. Ngôi đình này tiêu biểu cho kiến trúc độc đáo của đình làng thời Nguyễn, bên trong còn nguyên vẹn về các đồ vật trang trí, lọng đèn, bát hương thờ tự, tượng Phật còn được lưu lại từ ngày xưa; đình rộng lên tới hơn 450m2 với 80 cột gỗ lim một người ôm không xuể chia thành 7 gian đều nhau về diện tích. Đình làng thờ các dòng họ đã có công khai lập làng, nhưng trong đó phải kể đến dòng họ Hồ là có công đóng góp nhiều nhất vào công cuộc xây dựng ngôi làng An Truyền trù phú và công sức vào hệ thống quan chế nhà Nguyễn. Trong đó có cụ Hồ Đắc Trung với học vị làm quan thượng thư "tam bộ" (bộ Lễ, bộ Học, bộ Công) dưới thời vua Tự Đức, cụ có con gái là chánh phi của vua Khải Định, ngôi làng còn sản sinh ra các bậc hào kiệt đóng góp cho nền y học, kinh tế nước nhà như giáo sư Hồ Đắc Di - hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại Học Y Dược Hà Nội, tiến sĩ luật Hồ Đắc Điềm - người có công trong việc soạn và thi hành luật pháp cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà những năm đầu của công cuộc giải phóng dân tộc.

Ở Huế có câu "Ai to gan - về làng Chuồn", thể hiện sự ngang tàng, khí khái, thậm chí là hung hãn có lẽ cũng vì nơi đây là nơi đặt nền móng cho cuộc khởi nghĩa "loạn chày vôi" xảy ra dưới triều vua Tự Đức được lãnh đạo bởi ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái; cuộc khởi nghĩa chống lại sự áp bức bóc lột khi đánh nặng sưu thuế, binh phu xây dựng công trình Vạn Niên Cơ (sau này đổi tên thành Khiêm Lăng, cũng chính là địa danh lăng Tự Đức). Điều đặc biệt là tất cả thanh niên trai tráng làng này đều đứng lên để phản đối sự áp bức bóc lột đó một cách khí phách, dũng cảm và tinh thần kiên cường bất khuất. Cuộc bạo loạn đã để lại một câu chuyện buồn trong lịch sử quá trình hình thành và xây dựng làng An Truyền và cũng khẳng định cho câu "Ai to gan - về làng Chuồn" để nhớ về những con người đã dám đứng lên chống lại chế độ phong kiến trong lịch sử.

• Du lịch đầm Chuồn - trải nghiệm ẩm thực giữa mênh mông sông nước
Ở tại đầm Chuồn có những nhà hàng được dựng lên ngay giữa đầm phá vô cùng độc đáo và đặc sắc. Để đến được những nhà hàng này các bạn hãy cùng Smile Travel mặc đồ bơi và bơi ra đó nha ... 

Ồ không, bọn mình đùa đấy! Để tới được nhà hàng không phải như vậy đâu, ở đây có những con thuyền gỗ chạy bằng máy chở thực khách ra đến giữa đầm cách bến khoảng 1km. Hãy tưởng tượng vào buổi chiều tà, bạn ngồi trên con thuyền lướt nhẹ nhàng trên mặt nước, cảm nhận vị mặn trong từng cơn gió từ ngoài biển thổi vào, chất muối thấm trong từng thớ thịt làm làn da có chút âm ẩm, giữa mênh mông bao la đất trời bỗng dưng thấy bản thân thật nhỏ bé vô cùng; cảm giác này có thể xua tan âu lo, mọi phiền muộn, những câu chuyện đã giữ trong lòng, trút bỏ hết làm con người chúng ta nhẹ nhàng và tích cực hơn.

Ngoài ra, còn có một cách khiến trải nghiệm du lịch Huế của bạn có thể sống động và chân thực hơn đó là thuê một chiếc thuyền lớn và cùng khám phá về ẩm thực đầm nước lợ ngay trên con thuyền giữa mênh mông đất trời Tam Giang. Ngay tại làng An Truyền, các bạn có thể hỏi dịch vụ này ở những hàng quán dân dã bán đồ ăn gần đầm, và dịch vụ luôn sẵn có bởi 80% dân số làng An Truyền đều sống bằng nghề đánh bắt cá trên đầm phá Tam Giang,và nhớ là đặt trước và khoảng 30 phút sau mới có nhé. Giá thuê của một chiếc thuyền như vậy khoảng 100.000 VNĐ/thuyền cho khoảng 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trên mặt nước, các bạn sẽ được chuẩn bị phao bơi, bếp ga mini , nồi niêu xong chảo, gia vị, và các dụng cụ đánh bắt hải sản có đầy đủ ngay trên chiếc thuyền mà bạn đang đi. Người lái thuyền sẽ đưa bạn đi thăm phá Tam Giang, vào các nò sáo được dựng lên để làm công cụ bắt cá, cất những chiếc rớ to để cua,tôm, bạch tuộc chui vào,... . Sau đấy chúng ta hãy cùng chế biến món ăn ngay trên chiếc thuyền lênh đênh mặt nước, thưởng thức những món đặc trưng như tôm su nướng, bánh xèo cá kình, bạch tuộc xào ớt,... Nếu chưa biết nấu ăn như thế nào giữa chiếc thuyền bấp bênh thì người lái thuyền sẽ giúp các bạn đó nha! 

• Du lịch đầm Chuồn - các nhà hàng nhất định phải thử

Tạm gác lại những cảm xúc dâng trào trước cảnh sắc thiên nhiên vô cùng ngoạn mục, thuyền sẽ đưa bạn vào điểm đỗ của nhà hàng. Những nhà hàng ở đây được cấu tạo hầu hết bằng những cây tre đực ruột đặc cứng cáp, những cổng chào bằng tre rực rỡ màu sắc, tre đan nhau thành những cây cầu dẫn thực khách đi từ hết căn chòi này đến căn chòi kia chỉ trong nháy mắt. Một số nhà hàng giữa đầm tiêu biểu mà Smile Travel muốn giới thiệu cho các bạn để có trải nghiệm tốt nhất:

- Nhà hàng Chuồn Lagoon:

Đây là một nhà hàng vô cùng xinh đẹp và độc đáo khi có những chiếc cầu đầy màu sắc và những không gian set up chụp hình check in vô cùng mới lạ. Giữa những ngày Huế nóng rực lửa khiến nhịp sống của mọi người bức bối, khó chịu. Mọi người kéo nhau đi tránh nắng và luôn muốn tìm về địa chỉ với những sông nước mang đậm chất thiên nhiên. Và đầm Chuồn Lagoon là điểm đến không thể thích hợp hơn cho sự lựa chọn vô cùng sáng suốt. Đây cũng là nhà hàng chịu khó đầu tư về view cho khách hàng chụp ảnh, sống ảo nhất; sau khoảng 5 phút di chuyển bằng ghe để đến với nhà hàng nằm trên mặt nước, bạn có thể thấy rõ cổng chào Chuồn Lagoon màu vàng bắt mắt, trung tâm nhà hàng là một đảo nổi nhỏ có diện tích khoảng 100m2 bao xung quanh bởi các nhà chòi và các nhà chòi vệ tinh xung quanh. Đặc sản của quán là các món hải sản vùng đầm phá, bánh xèo cá kình và tôm mực nước. Tại đây rất phù hợp với các bữa tiệc cuối tuần của bạn bè hay gia đình muốn có trải nghiệm mới lạ để làm tươi lại bản thân.

- Nhà hàng Đầm Chuồn Hội Quán:

Đầm Chuồn Hội Quán là một trong những nhà hàng tiên phong dịch vụ mang lại cho khách hàng trải nghiệm tham quan đầm phá Tam Giang một cách cụ thể nhất, nhà hàng có nhiều căn chòi phục vụ số lượng khách vô cùng lớn và quy mô, khi bước chân lên từ thuyền để vào khu ẩm thực làng Chuồn này, chúng ta sẽ thấy một tòa tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ phiên bản thu nhỏ, chất liệu bằng tre; và bạn nhớ check in để lưu lại cho mình những bức ảnh tại đây nhé! Ngoài các món ăn hải sản ra, Đầm Chuồn Hội Quán còn có các món ăn đặc trưng của vùng nước lợ như cá nâu, cá kèo, tôm sú, bạch tuộc,... và đặc sản làng Chuồn chắc chắn sẽ không bao giờ thiếu ở nhà hàng này đó chính là món lẩu cá kèo và bánh khoái cá kình; nơi đây còn được các tín đồ sành ăn ví von với tên gọi "nơi bán lẩu cá kèo ngon nhất Việt Nam".

- Nhà hàng Đầm Chuồn An Phú:

Khác với các nhà hàng còn lại, Đầm Chuồn An Phú lại là điểm đến nằm gần đất liền hơn, tại đây có một cây cầu tre bắt từ đất liền ra đến nhà hàng mô phỏng cầu Trường Tiền cũng là điểm check in đáng để note lại trong chuyến hành trình lần này. Nhà hàng có không gian rộng lớn và sức chứa cho rất nhiều người, đó cũng là lí do nhà hàng luôn được sự tín nhiệm từ các cơ quan tổ chức đặt tiệc cuối năm hay đến đây vào các dịp lễ. Ngoài các đặc sản làng Chuồn ra, nơi đây còn có một số đặc sản ở Nha Trang, Khánh Hòa, và những thủy sinh sông nước miền Tây lạ miệng và bắt mắt.

Mỗi nhà hàng có một đắc sắc và phong cách phục vụ khác nhau, để chọn ra một nhà hàng có trải nghiệm thú vị nhất thì Smile Travel khó có thể so sánh cho các bạn để mọi người cùng có sự lựa chọn phù hợp được. Nhưng nhà hàng Đầm Chuồn Hội quán có đôi phần "nhỉnh" hơn các địa điểm còn lại bởi sự thú vị khi được trải nghiệm sông nước chân thật, cách phục vụ chu đáo, thức ăn mà menu phong phú, hải sản tươi ngon và đậm phong vị miền Trung.

 

• Du lịch đầm Chuồn - đặc sản thiên nhiên ban tặng có gì?

Vì là vùng đầm phá nên thủy hải sản ở đây rất phong phú và đa dạng, người dân phá Tam Giang nói chung và đầm Chuồn nói riêng kết hợp mô hình nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, thật không khó khi các bạn có thể thấy ở đây những nò sáo, những nò vúng được cắm rất nhiều thành những lồng nuôi chuyên biệt các loại thủy hải sản đặc trưng tạo nên những cánh đồng sáo đẹp tựa như tranh không khác gì những đồng lúa được nhìn từ trên cao. Tại đây, có những thủy sinh đặc trưng như tôm sú, cua, ghẹ, cá dìa, cá kình, cá đối, cá rô phi, cá khoai, bạch tuộc,... và các lồng nuôi các loại thủy sản cao cấp như cá mú, cá vẩu.

Ở đây có chợ An Truyền là chợ cá của làng, nhiều người dân muốn mua được hải sản tươi ngon thường đến đây vào sáng sớm, đây cũng là một địa điểm thu hút nhiều các bà nội trợ muốn chuẩn bị cho gia đình những bữa ăn ngon hay các nhà hàng hải sản thường là khách quen đến đây mua hàng, giá hải sản ở đây được đánh bắt trực tiếp và bán không thông qua thương lái nên vô cùng rẻ và tươi ngon lắm nha! Các bạn có thể đi mua vào sáng sớm khoảng 5-6 giờ sáng và kết hợp ngắm bình minh  trên đầm Chuồn để tràn trề năng lượng cho một ngày mới sống động!

• Du lịch đầm Chuồn - ngắm bầu trời trên các khu chòi nổi

Ở đầm chuồn có dịch vụ cho thuê các canh chòi giữa đầm phá, thường thì ở đây ít có thời gian ở nhà nên người ta dựng lên các chòi canh để giữ các nò sáo để canh giữ tài sản, về sau các nò sáo được sử dụng kết hợp với các dịch vụ du lịch. Bạn có thể thuê các chòi nổi này với giá 300-450.000/đêm tùy vào số lượng người phù hợp. Sau khi thuê được chòi thì người cho thuê sẽ miễn phí dịch vụ thuê thuyền để đi đánh bắt cá, trải nghiệm làm ngư phủ vô cùng độc đáo này có ở đầm Chuồn rất mới lạ và hiếm có. Và để tiện lợi cho việc ăn uống thì sau khi đánh bắt hải sản cùng với người dân được rồi, hãy mở lời có nhã ý mua lại các sẩn phẩm đó với giá cả hợp lí cho trải nghiệm tuyệt vời mà các bạn vừa dùng nha!

Sau khi đánh bắt rồi, chúng ta có thể vừa nấu nướng, vừa ngắm nhìn hoàng hôn vào buổi chiều trên đầm phá Tam Giang thơ mộng và xinh đẹp, buổi tối có thể tổ chức tiệc party nho nhỏ và ngủ lại chòi để sáng hôm sau thức dậy ngắm nhìn bình minh siêu đẹp và tham quan làng Chuồn nhé!

3. Khám phá ẩm thực làng Chuồn Huế

Du lịch Đầm Chuồn không thể không kể đến các món ăn phong phú và đa dạng vô cùng! Đã đến được đây, chúng ta cùng đến chợ An Truyền thử món ngon ở đây có gì thú vị nhé!

• Bánh khoái cá kình (còn có tên gọi dân dã là bánh xèo làng Chuồn)

Đây là món bánh khoái độc nhất vô nhị mà Smile Travel muốn bạn thử đầu tiên, với một ít bột mì trộn bột gạo làng An Truyền trồng nên, giá đỗ luộc sơ, một ít rau quế, và phần chính của bánh là những con cá kình tươi ngon được đánh bắt ngay tại đầm phá. Cách người dân tại đây đổ loại bánh này như bánh xèo thông thường, chỉ khác là gia vị và nguyên liệu của nó vô cùng độc đáo và có một không hai ở Việt Nam, biến thể của bánh xèo cá kình còn có bánh xèo kết hợp với tôm sú, mực, bạch tuộc. Món bánh xèo này ăn bốc tay, chấm với nước mắm ruốc sắc thêm chút ớt cay the the quả là tuyệt vời!

Và điều đặc biệt nữa là những hàng quán bán bánh xèo ...lại không bán bánh xèo! Lí giải lí do này là nguyên liệu hải sản bạn phải tự tay chọn mua nha, mua ngay tại các hàng quán bán đồ hải sản xung quanh chợ,các hàng quán bánh xèo người ta chỉ chế biến giúp. Giá vô cùng rẻ cho mỗi loại nguyên liệu hải sản chỉ với chưa tới 20.000/đồng cho 1-2 lạng cá,tôm, mực,... và công đổ bánh xèo chỉ từ 20.000/đồng/cái.

• Bún nghệ xào ...ngao”

Con ngao ở đầm phá Tam Giang rất nhiều, con ngao vùng nước lợ có kích thước lớn và to hơn ngao sông. Ở Huế có nhiều nơi bán bún nghệ ngon và giá rẻ, ở làng Chuồn cũng vậy. Chỉ khác là khu chợ này đã từ lâu đưa tinh hoa ẩm thực dân dã món bún lòng xào nghệ lên một đẳng cấp mới khi món bún nghệ xào lòng nổi tiếng nay thành độc đáo hơn khi được xào với con ngao nước lợ phá Tam Giang. Kết hợp hài hòa giữa màu vàng của sợi bún xào nghệ, màu xanh của rau răm, và máu trắng của con ngao đã được xào với gia vị tạo thành bún nghệ xào ngao vô cùng ngon và mới lạ. Ở đây vẫn có bán bún nghệ xào lòng nha! Và Smile Travel xin bật mí giá của các món ăn này vô cùng rẻ, chỉ 8-10k/tô.

• Cháo bột xắt

Từ “xắt” trong từ bột xắt có nghĩa là cắt nha, cháo bột ở đây được nhào nặn và vắt thành từng cục sau đó nén vào bề mặt của các ống nhựa hay chày, khi gọi món chủ quán sẽ dùng dao xắt thành sợi thả trực tiếp vào nồi nước đang sôi sau đó bỏ ra bát, thêm một chút nhân gồm có thịt heo, cá lóc, trứng, tôm,... và nước chan. Cháo bột xắt có hình thái như bánh canh sợi nhưng bột ở đây lại được kết hợp bởi bột mì và bột gạo, sợi bột dai mà mịn, nước chan đậm đà xương thịt hầm và nhân có vị mặn vừa ăn thơm ngọt.

Giá cũng dân dã, khoảng 20.000/tô nha!

4. Đầm Chuồn có gì mua về làm quà

Người dân ở làng An Truyền có truyền thống ngoài việc đánh bắt hải sản sông nước, còn có các hộ gia đình có truyền thống làm bánh tét, nấu rượu, mắm cá rò, mắm tép, mắm tôm sú:

Bánh tét:

Bánh ở đây được nấu quanh năm và người dân làm bánh bỏ sỉ cho các khu chợ lớn ở trung tâm thành phố như chợ Bến Ngự, Đông Ba, Tây Lộc. Bánh ở đây có bánh tét nhân mặn với thịt, mỡ và đậu xanh, và dùng cho nhiều người ăn, bánh dẻo và có nhân ngon, để được lâu ngày. Bánh được bán nhiều ở chợ An Truyền.

Rượu làng Chuồn:

Rượu làng chuồn đang được hồi sinh bởi tay nghề của các nghệ nhân nấu rượu nơi đây, là đặc sản hiếm có một thời từng được tiến vua. Rượu được chưng cất công phu từ nước sông Như Ý chảy qua làng Chuồn, gạo của làng, men đặc chế biến riêng và nấu từng mẻ trong các chum đồng cho ra dòng rượu tinh khiết đặc trưng thơm ngon, xứng danh mĩ tửu Cố Đô

Rượu làng chuồn được bán ở chợ luôn nha các bạn, có hai loại đó là rượu không có nhãn mác và rượu có nhãn mác, thường thì rượu không có nhãn mác người ta bán theo lít theo can, dùng để cho mọi người thưởng thức trong mâm cơm ăn uống hay mua trực tiếp từ những nhà nấu rượu, rượu có nhãn mác được đóng chai và có thương hiệu. Giá giao động của mỗi loại từ 20.000 VNĐ/lít

Mắm cá:

Mắm đặc trưng làng Chuồn là mắm cá rò, mắm tép và mắm tôm sú. Cá rò có xương mềm, vẩy óng ánh và đặc biệt thịt cá vô cùng ngọt thơm, người dân đánh bắt mang về ướp ủ làm mắm. Khi ăncó thể nhai nguyên con mà không sợ mắc xương. Để tăng tính hấp dẫn, cần trộn mắm với riềng, ớt, tỏi nhằm góp phần làm mắm có màu đỏ đẹp và vị cay nồng đặc trưng. Món này ăn kèm với cơm, thịt ba chỉ thái mỏng (ba rọi) luộc và rau sống.

Giá một hũ 40.000 VNĐ.

5. Một số lưu ý nhỏ khi du lịch đầm Chuồn Huế

Nếu có ý định nghỉ ngơi qua đêm ở đầm Chuồn bằng cách thuê các chòi nổi thì các bạn cần đặt trước và đặt ngay khi đến đây để người dân liên hệ ban quản lí khu du lịch sinh thái sắp xếp chỗ cho các bạn nha!

Kinh phí đi đầm Chuồn để tham quan khoảng 200K/người, chưa tính việc di chuyển đến đây. Nếu muốn thưởng thức hết các đặc sản bạn cần rủng rỉnh nhiều hơn một chút nè!

Nước trên đầm phá vào lúc thủy triều xuống khá nông, có thể lội bộ ngang đầu gối. Nước lúc thủy triều lên có thể ngang ngực người bình thường, các phương tiện an toàn đã có sẵn như áo phao, phao bơi cứu hộ, nhưng đặc biệt vô cùng nguy hiểm cho các bạn chân ngắn xinh xắn đáng yêu, ngoài việc chuẩn bị các phương tiện an toàn trên thì mang theo một “chú gấu bông 36 độ” cũng là một ý tưởng không tồi để được cõng đấy nhé!

6. Các địa điểm xung quanh làng An truyền nên ghé thử một lần cho biết

Xung quanh địa điểm này còn có các khu du lịch Huế khác có thể khám phá như:
• Rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá

Địa chỉ: xã Hương Phong , huyện Hương Trà, tỉnh TT-Huế

• Làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh

Địa chỉ: huyện Quảng Điền , tỉnh TT-Huế

• Biển Thuận An

Địa chỉ: xã Hải Tiến, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế

• Biển Cảnh Dương

Địa chỉ: huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế 

• Cầu ngói Thanh Toàn

Địa chỉ: thôn Lang Xá Bàu, huyện Hương Thủy, tỉnh TT-Huế

• Chợ hải sản Vĩnh Tu

Địa chỉ: huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế

• Bến đò Cồn Tộc

Địa chỉ: phá Tam Giang , xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền,  tỉnh TT-Huế

• Bánh ép mệ Kiều

Địa chỉ: đường Lê Sỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế

 

Xem thêm:

Bỏ túi 50 địa điểm du lịch Huế nổi tiếng nhất (phần 1)

Bỏ túi 50 địa điểm du lịch Huế nổi tiếng nhất (phần 1)

Tour Huế một ngày mới nhất 2020

Tour Cù Lao Chàm 2020

Tour Bà Nà ăn buffet giá rẻ nhất 2020

Smile Travel

Theo Vincent

Zalo