CẦU TRẦN THỊ LÝ - KHÁT VỌNG CÁNH BUỒM VƯƠN BIỂN LỚN

23/10/2020 11:250 GMT+7


Chắc hẳn bạn cũng biết Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu. Trong tứ đại mỹ kiều bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, phải để đến đó là cây cầu Trần Thị Lý, mang hình dáng như một chiếc thuyền căng buồm vươn ra biển lớn.

Xem thêm: 

 Tour Cù Lao Chàm trong ngày giá tốt nhất

 Đặt vé Bà Nà hill giá cực hot

 Tour Huế 1 ngày - khám phá nét đẹp cổ kính, thơ mộng

 

CẦU TRẦN THỊ LÝ NẰM Ở ĐÂU?

Nằm ở vị trí đắc địa được xem là trung tâm của thành phố, sẽ không quá khó để tìm đường đối với khách du lịch khi lần đầu đến với Đà Nẵng. Cầu Trần Thị Lý nằm ở Ngã tư đường 2/9 và Duy Tân; nối liền ba quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Cầu được bắc ngang qua dòng sông Hàn, nên bất kể bạn đứng ở đâu ven hai bờ sông Hàn, bạn cũng có thể dễ dàng thấy được cây cầu này từ xa. Cách từ cầu Rồng 2km và 5km từ cầu sông Hàn, nên rất tiện cho du khách di chuyển tham quan những cây cầu nổi tiếng khác tại Đà Nẵng. 

LỊCH SỬ CÂY CẦU TRẦN THỊ LÝ

Cầu Trần Thị Lý vốn là cầu đường sắt, thời Pháp thuộc cầu được gọi là De Lattre de Tassigny, sau đó đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế, nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m về phía thượng lưu. Cầu được đặt tên là cầu Trần Thị Lý (đường mới được khai thông từ năm 1993, khi phá dỡ đường tàu xe lửa. Và chính thức đặt tên là cầu Trần Thị Lý theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP, khóa V, ngày 10/7/1999 về đặt và đổi tên một số đường của TP Đà Nẵng) và được nâng cấp thành cầu đường bộ, cùng với cầu Nguyễn Văn Trỗi làm nhiệm vụ thông thương, nối liền hai bờ sông Hàn.

Chi tiết cụ thể: Hơn 60 năm trước, ngay tại vị trí cầu Trần Thị Lý ngày nay, người Pháp đã cho xây dựng cây cầu đầu tiên ở Đà Nẵng và đặt tên là cầu De Lattre.

Từ năm 1950, các cố vấn Mỹ đã có mặt ở Đà Nẵng và tiến hành khảo sát các khu vực Sơn Trà, Non Nước. Sau đó, người Pháp bắt đầu xúc tiến việc xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự liên hợp bằng cách vừa tiến hành củng cố, mở rộng các cơ sở vật chất vốn cố, vừa xây mới một loạt các hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó cầu De Lattre nối liền nội ô thành phố với bến cảng để dễ dàng tiếp nhận các mặt hàng viện trợ chiến tranh của Mỹ. 

De Lattre, viết đầy đủ là Jean Joseph Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889 - 1952) - thống chế quân đội Pháp, từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và mất vì bệnh khi cuộc chiến chưa kết thúc. Để tưởng nhớ ông, năm 1952, nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội đã đổi tên Route Mandarine (đường Cái quan đi qua địa phận Hà Nội) thành đường mang tên ônng và Đà Nẵng thì đặt tên ông cho cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn. 

Đến năm 1955, ở Đà Nẵng, tất cả các đường phố mang tên Pháp (trừ Pasteur và Yersin, hai ân nhân của nhân loại) đều được đổi thành tên Việt. Cây cầu độc nhất qua sông Hàn lúc đó cũng được đổi thành cầu Trịnh Minh Thế, một tướng lĩnh của quân đội Việt Nam cộng hòa.

Về người anh hùng Trần Thị Lý: Bà tên thật Trần Thị Nhâm (1933 – 1992); người xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; là một nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà là tù chính trị trung kiên, gan dạ, dũng cảm, đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man, vô nhân đạo dưới các nhà tù Pháp – Mỹ mà vẫn bất khuất, không khai báo, kiên trì chịu đựng, không khuất phục.
Chồng bà là một thương binh đồng hương, do bị tra tấn, bà mất khả năng sinh nở nên hai người nhận một con gái nuôi. Năm 1979, bà từ Hà Nội về sống tại Đà Nẵng, trong điều kiện sức khỏe được phục hồi một phần. Tháng 2 năm 1992 (59 tuổi) bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Bà mất tại Đà Nẵng. Hình ảnh của bà đã từng là đề tài của thơ ca, nhạc, họa, phim ảnh,… trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu. Tên bà được đặt cho cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng. Ít ai biết Trần Thị Lý chính là cháu nhà cách mạng Trần Cao Vân.

Không ít người cho rằng cầu Trần Thị Lý, với hình tượng cánh buồm căng gió ra khơi, đã ít nhiều thể hiện vẻ thanh thoát, sự mềm mại đầy nữ tính. Đây được cho là cây cầu có kiến trúc độc đáo vào loại nhất nhì Việt Nam với trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu đẹp và lạ mắt, tuy không đạt “kỷ lục” về quy mô như cầu Rồng, nhưng có kiến trúc và kết cấu với độ cao lớn để làm điểm nhấn cảnh quan. Việc lựa chọn trụ tháp đơn nghiêng cao 145 mét và dây văng đa mặt phẳng, phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra Biển Đông, thể hiện nét độc đáo, hiện đại, biểu tượng cho khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

Vào tháng 4/2009, Đà Nẵng khởi công xây dựng lại cầu Trần Thị Lý với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Ngày 29/3/2013, thành phố Đà Nẵng tổ chức khánh thành cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (Ngày này khánh thành 3 công trình trong đó có tuyến cáp treo Bà Nà suối mơ). Cầu Trần Thị Lý được xem là cây cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.

Trước đó, từ năm 2007, thành phố tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Thị Lý. Nhiều đơn vị tư vấn trong nước, ngoài nước tham gia như Japan Bridge & structure Institude, Inc., Nippon Engineering Consultants Co., Ltd, (Nhật), The Louis Berger Group, Inc. (Mỹ), Egis Bceom International (Pháp), Kraus & Nguyen Architekten Ingenieure (Đức), Viện Nghiên cứu thiết kế quy hoạch giao thông Quảng Tây (Trung Quốc), WSP Finland (Phần Lan), Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT, Công ty CP Tư vấn xây dựng 533, Công ty CP Tư vấn XDCT giao thông 5 (Việt Nam),… Phương án thiết kế cuối cùng được chọn thuộc về Công ty WSP Finland (Phần Lan). Bên cạnh việc lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình do Công ty WSP Finland đảm nhận, phần lớn tất cả các khâu quản lý dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giám sát, thi công đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.

KIẾN TRÚC CÂY CẦU TRẦN THỊ LÝ

Cầu Trần Thị Lý được thiết kế độc đáo với tạo hình và định vị cho trụ tháp chính cao 145 mét nghiêng 12 độ về phía Tây gồm 3 mặt dây phẳng. Trong đó, mặt phẳng dây phía Đông được neo từ thân trụ xuống dầm cầu giữa, mặt phẳng dây phía Tây được bố trí xoắn và rẽ ra hai nhánh tạo hình thành một cánh buồm căng gió hướng ra biển Đông.

Tổng bề rộng mặt cầu rộng 35.5m bao gồm: 6 làn xe giao thông, mỗi làn rộng 3.75m và 2 làn đường đi bộ, mỗi làn rộng 3.0m có lan can bảo hộ. Giao thông giữa các làn được phân chia thành các hướng khác nhau bởi giải phân cách rộng 5.0m ở giữa cầu. Điểm đặc biệt trong sơ đồ kết cấu của công trình cầu Trần Thị Lý chính là trụ tháp đơn, nghiêng 120 nhưng không có thiết kế dạng ngàm cứng như các cầu dây văng thông thường mà được liên kết cứng với dầm mặt cầu và tựa trên trụ S5 thông qua gối cầu hình chỏm cầu với sức chịu tải lên đến 25 nghìn tấn, là tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay, để giảm kích thước bệ móng, tiết kiệm vật liệu.

Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới, hiện đại cũng được ứng dụng trong quá trình thi công cầu Trần Thị Lý như: thi công dầm hộp bằng công nghệ đà giáo đẩy, ván khuôn trượt; thi công lắp đặt gối chậu có tải trọng thuộc loại lớn nhất trên thế giới; thi công trụ tháp nghiêng bằng ván khuôn leo; thi công lắp đặt và căng kéo cáp dây văng, quan trắc nội lực và chuyển bị khi thi công bằng thiết bị và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Cầu Trần Thị Lý tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và Quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng.

ĐIỀU THÚ VỊ VỀ BẢNG TÊN CỦA CÂY CẦU

Đà Nẵng được xem là thành phố của những cây cầu nổi tiếng ở Việt Nam. Và khi nhắc đến những cây cầu, người ta thường nghĩ đến hình dạng, kết cấu, thẩm mỹ….Nhưng ít người biết rằng, để đạt được các yếu tố đó, các kỹ sư, công nhân và cả kiến trúc sư cần phải thiết kế và hoàn thiện rất nhiều các hạng mục như màu sắc, hệ thống chiếu sáng, hệ thống lan can…và cả bảng tên cầu.

Cầu Trần Thị Lý cũng nằm trong số đó. Là cầu dây văng có kiến trúc độc đáo, Cầu Trần Thị Lý được xây dựng theo hình dạng cách buồm vươn ra biển lớn. Cầu bắc qua sông Hàn, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Cũng như cầu Rồng và một số cầu xây mới, cầu Trần Thị Lý cũng cần có 1 bảng tên với các thông tin về cầu. Nhưng vấn đề thiết kế bảng tên như thế nào cho đẹp, cho phù hợp với lịch sử và không lệch lạc so với cây cầu mới là bài toán khó.

Cầu bắt đầu thi công từ năm 2010 và đưa vào hoạt động tháng 3 năm 2013, nhưng phải đến đầu năm 2012 việc thiết kế bảng tên cầu mới được triển khai.  Các thiết kế của ECC (Công ty tư vấn giám sát và thiết kết bảng tên cầu) đưa ra đều mang vẻ khỏe khoắn, hiện đại nhưng vẫn giữ được tính lịch sử. Đặc biệt, vật liệu được sử dụng là các loại đá cẩm thạch, đá granite từ làng đá Mỹ nghệ Non Nước, một sản phẩm đặc trưng của thành phố Đà Nẵng.

Là 2 cây cầu lịch sử mang tên 2 vị anh hùng gắn liền với mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng,vì thế thông tin về cầu Trần Thị Lý và Cầu Nguyễn Văn Trỗi cần phải được ghi chép trên nền mang tính lịch sử. Đó là yếu tố quan trọng trong việc tìm ý tưởng thiết kế phương án này.

Bảng tên cầu có chiều cao 2,2m, rộng 2,5m lấy ý tưởng từ hình ảnh cuốn thư, một hình thức lưu trữ thông tin của người Việt và các nước phương Đông xưa. Mặt trước bảng tên ghi các thông tin về kích thước, ngày khởi công và hoàn thành cầu. Mặt sau là thông tin về các đơn vị tham gia thiết kế và thi công, giúp người dân có thể nắm bắt sơ bộ thông tin về cầu Trần Thị Lý. Tuy thực tế bảng tên cầu có thay đổi chút ít về phần đế và độ dày của đá để cho phù hợp, nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng và bố cục của thiết kế.

Cầu Trần Thị Lý nhìn từ xa như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển lớn, với một khát vọng đưa thành phố vươn tầm xa hơn sánh vai với thế giới. 

CẦU TRẦN THỊ LÝ - ĐỊA ĐIỂM SỐNG ẢO TUYỆT VỜI

Đứng trước một kiến trúc tuyệt đỉnh như này chắc hẳn du khách sẽ luôn điêu đứng trước vẻ đẹp của nó. Phải nói rằng cầu Trần Thị Lý là một địa điểm check in "sống ảo" quen thuộc của các bạn trẻ Đà Thành. Chẳng cần phải đi du lịch xa xôi đến phương trời các nước châu Âu mà bạn cũng có thể cho mình những bức ảnh thật tây tại đây.

KHU ĂN VẶT CHÂN CẦU TRẦN THỊ LÝ

Khi đến tham quan cầu Trần Thị Lý, bạn đừng quên ghé thăm Khu ăn vặt ở dưới chân cầu này nhé. Những món ăn vặt ở đây chắc hẳn đã quá đỗi quen thuộc với thanh xuân của các bạn trẻ Đà Nẵng nhưng sẽ khá mới lạ với du khách và bạn cũng chỉ có thể tìm thấy những hương vị này ở chính tại đây. 

Khu ăn vật cầu Trần Thị Lý sẽ bắt đầu bán vào lúc 17h - 22h với giá cả rất học sinh, sinh viên, với đa dạng các món như sữa chua muối, ốc hút dừa, ram cuốn cải cho đến những món mang hương vị riêng rất Đà Nẵng như gỏi bò khô, gỏi xoài, bánh tráng,...

Hi vọng những chia sẻ vừa rồi về Cầu Trần Thị Lý - Khát vọng cánh buồm vươn biển lớn của Smiletravel sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến đi khám phá sắp tới nhé!

Cảm ơn bạn đã theo dõi SmileTravel, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác:

 Những nét dễ thương trong giọng nói của người Đà Nẵng

 Những địa điểm tắm bùn hot nhất tại Đà Nẵng

 Đèn lồng Hội An - nét đẹp của làng nghề truyền thống

 Địa chỉ 33 món ăn ngon tại Đà Nẵng

 

Smile Travel

Theo Bunie

Zalo