28/08/2020 11:020 GMT+7
Trung Thu không chỉ là tết thiếu nhi mà còn là một dịp để gia đình đoàn viên, sum họp và là một nét văn hóa của người Việt, mang nguồn gốc và ý nghĩa khá thú vị. Bạn hãy cùng Smiletravel tìm hiểu thêm về Tết Trung Thu và những điều đặc biệt mà có thể bạn chưa biết trong dịp tết này nhé.
Xem thêm: Săn ngay vé Bà Nà Hill cực hot
Theo phong tục tập quán của người Việt ta từ ngàn đời nay, Tết Trung thu thường được tổ chức vào mùa thu, tức ngày Rằm Tháng Tám (Âm lịch). Trong dịp này, người ta thường làm mâm cổ gia tiên và bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Cũng trong dịp này, bố mẹ bày mâm cổ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn để trẻ em rước đèn.
Nguồn gốc
Theo các nhà lịch sử học thì tết Trung Thu ở Việt Nam đã có từ thời xa xưa, đã được in trên trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến thời Lê - Trịnh thì tết Trung Thu đã được tổ chức cực kì xa hoa trong phủ Chúa.
Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt Nam. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi.
Theo phong tục người Việt, vào dịp tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả; nhuộm đủ các màu sắc sặc sỡ: xanh, đỏ, trắng, vàng,... Con gái hàng phố thi nhau trổ tài cắt tỉa đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá...
Đồ trẻ em chơi trong tết này toàn là những thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, con bươm bướm, đèn cù,...những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...
Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đen, rước sư tử; tiếng cười đùa, reo hò đánh vang cả một đường phố...
Trong dân gian, tết Trung Thu ngoài việc cúng gia tiên, phá cổ, nghe chuyện về trăng, còn có chơi đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn cầy,... Các trò chơi như múa sư tử, hát đúm, hát trống quân,... đã trở thành một ngày hội không chỉ của trẻ em mà còn của người dân cả nước.
Mâm cỗ
Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh chay có hình thù đa dạng. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm Rằm và đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh,... và bưởi là thứ không thể thiếu.
Múa Lân
Theo quan niệm chung của người Á Đông, con lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt và hạnh phúc. Lân được xem là một thánh vật đứng hàng thứ nhì trong bộ Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Múa lân trong dịp lễ tết được xem là điềm lành, tiếng cười cho không chỉ trẻ em mà cả người lớn vì nó tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng,...
Múa lân tự bao giờ là kết tinh của tâm thức dân tộc và nghệ thuật thể hiện, là một thứ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa công phu thâm hậu của võ thuật, sự chính xác uyển chuyển của một vận động viên thể dục dụng cụ, sự khéo léo, cẩn trọng của nghệ nhân và sâu xa hơn cả là chiều sâu của một hoạt động văn hóa chưa bao giờ mai một...
Xưa kia lân chỉ múa trên mặt đất, ngày nay lân còn múa trên các giàn sắt cao với nhiều động tác cực kì ngoạn mục. Từ múa lân, nhiều nơi còn tạo dựng thành múa sư tử, múa rồng. Những con lân được trang trí rất đẹp mắt, nhảy múa theo kịch bản với sự luyện tập hết sức công phu khó nhọc. Và không chỉ Trung Thu, bây giờ người ta còn tổ chức múa lân trong các dịp hội hè, tế lễ, mừng khai trương cửa hàng,...Cũng có nơi tổ chức múa lân mừng năm mới, với các bài múa mang ý nghĩa cầu chúc an khang, thịnh vượng.
Lồng đèn
Những chiếc lồng đèn này được làm bằng giấy bìa, giấy gương đỏ và đốt nến bên trong là loại đồ chơi phổ biến trong dịp Trung Thu xưa. Nào là đèn ông sao, đèn cá chép, đèn bươm bướm, đèn sư sử. Mặc dù với nhịp sống hiện đại ngày nay và việc học tập của các con, công việc học tập của bố mẹ nên việc làm lồng đèn thủ công không còn phổ biến nữa. Thay vào đó, các bạn nhỏ sẽ được bố mẹ mua cho những chiếc lồng đèn bằng nhựa, đa dạng hình dáng, màu sắc được bánh sẵn.
Bánh Trung Thu
Bánh nướng: Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường trộn chút mạch nha để chuyển thành màu hổ phách. Nhân bánh nướng là nhân thập cẩm, đậu xanh hạt sen, khoai môn.
Bánh dẻo: Theo truyền thống, vỏ bánh Trung Thu dẻo được làm bằng gạo nếprang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay mà không cần cho vào lò nướng.
Ý nghĩa
Vào đúng đêm 15/8 Âm Lịch, các bạn nhỏ sẽ tụ tập cùng nhau mang những chiếc đèn lung linh cùng nhau đi khắp vùng để rước đèn dưới trăng. Đồng thời, các bạn nhỏ cũng được tham dự những bữa tiệc liên hoan văn nghệ, múa hát và phá cỗ trăng Rằm. Đó thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của ông bà, cha mẹ dành cho các bạn nhỏ, đồng thời giúp các bạn nhỏ tăng thêm sự giao lưu, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.
Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Chính vì thế, tết Trung Thu còn được gọi là tết Đoàn Viên trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những người con dù đang đi ngược về xuôi vẫn luôn cố gắng về đoàn tụ cùng với gia đình trong dịp này. Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa - ý nghĩa của sự chăm sóc, báo hiếu, của biết ơn, của tình thân, của đoàn tụ và của sự yêu thương.
Cảm ơn bạn đã theo dõi Smiletravel, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác:
Smile Travel
Theo Bunie
ĐẶC SẮC VĂN HÓA CÚNG CÔ HỒN CỦA NGƯỜI ĐÔNG NAM Á(24/08/2020)
GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 2017 - LỊCH NGHỈ LỄ VÀ SỰ KIỆN TRONG LỄ HỘI(09/02/2017)
CÚNG ÔNG TÁO - ÔNG CÔNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT(20/01/2017)
TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ NHỮNG VIỆC CẦN PHẢI LÀM(18/01/2017)
PHẬT THỦ - MUA QUẢ PHẬT THỦ LÀM QUÀ BIẾU TẾT(27/12/2016)
TẾT NGUYÊN ĐÁN - DU LỊCH TẾT 2017(14/12/2016)