CẦU SÔNG HÀN - NIỀM TỰ HÀO CỦA ĐÀ NẴNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT

24/08/2020 16:350 GMT+7


Nhắc đến Đà Nẵng chắc hẳn điều đầu tiên mà bạn nhớ đến đó là thành phố của những cây cầu, bao gồm 9 cây cầu bắc qua sông Hàn. Trong đó, có 4 cây cầu được nhắc đến với danh xưng "Tứ Đại Mỹ Kiều" - 4 cây cầu đẹp nhất. Và bài viết này Smiletravel sẽ giới thiệu cho bạn một cây cầu mang đầy niềm tự hào của người dân Đà Nẵng - cầu sông Hàn.

Năm 1998, một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương. Đà Nẵng đã cho xây dựng cây cầu quay sông Hàn - một công trình mang tính đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng lúc bấy giờ. Đây là một bước ngoặc, đánh dấu sự trổi dậy của thành phố trẻ, đầy năng động, biểu tượng của khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân Đà Nẵng. 

Cầu sông Hàn lung linh về đêm

Sau ngày giải phóng, Đà Nẵng chỉ có duy nhất một cây cầu bắc qua sông Hàn, là cây cầu Nguyễn Văn Trỗi do người Mỹ xây dựng. Và lúc bấy giờ, Đà Nẵng không giàu có, không thịnh vượng. Thành phố chỉ có ba quận: quận 1, quận 2 và quận 3. Quận 1 và 2 nằm ở bờ Đông sông Hàn - trung tâm hành chính của thành phố và quận 3 nằm ở bờ bên kia sông Hàn. Muốn sang trung tâm thành phố, người dân quận 3 phải qua lại bằng những chiếc đò ngang ọp ẹp, về sau còn có thêm những chiếc phà máy nhỏ. Khổ nhất là vào mùa mưa to gió lớn, sông dâng cao, nước chảy siết, việc qua sông thật sự rất nguy hiểm.

"Đứng bên ni Hàn

Ngó bên tê Hàn, nước xanh như tàu lá

Đứng bên tê Hàn

Ngó bên ni Hàn, phố xá thênh thang."

Chắc hẳn câu ca dao này vẫn còn rất in đậm trong tâm trí của nhiều người dân Đà Nẵng. Bởi nó mô tả đúng hình ảnh giàu nghèo phân chia rõ rệt giữa hai bờ sông Hàn của Đà Nẵng hơn 20 năm trước. Khi mà bên tê Hàn đâu chỉ có "nước xanh như tàu lá", mà cái nghèo còn phơi bày rõ qua những căn nhà "chồ" xập xệ, chắp vá đặt trên những cọc gỗ khẳng khiu tưởng chừng có thể tan ngay trước một cơn bão nhỏ. Đó là nơi tá túc nhếch nhác, tối tăm của những người lao động khuân vác, buôn gánh bán buôn, hay những ngư dân đánh bắt tôm cá nhỏ ven bờ... Thậm chí, những đứa trẻ còi cọc, lấm lem ở đây còn không được đi học; suốt ngày chỉ tự chơi quanh quẩn ở khu "nhà chồ". Nghịch cảnh  của cuộc sống giữa hai bờ sông Hàn, một bên là "phố xá thênh thang" với những ngôi nhà kiên cố, san sát nhau, tràn ngập ánh điện mỗi đêm về. Một bên là những dãy "nhà chồ" rách nát, nghèo nàn; ban đêm le lói vài ánh sáng đèn dầu ngập mờ đã kéo dài hơn một thế kỷ qua.

Những căn nhà chồ nhếch nhác hơn 20 năm trước

Người đứng đầu thành phố lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh - chủ tịch UNBD thành phố Đà Nẵng, một phần là nhận thấy được những khó khăn, bất cập của những người dân. Một phần là nhìn thấy được tiềm năng của quận 3, tiềm năng của bãi biển Mỹ Khê, của bán đảo Sơn Trà,... biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố, nên ông đã có suy nghĩ phải xây dựng một cây cầu, nhằm nối liền "sự phân biệt" của người dân hai bờ và hơn thế là xây dựng quận 3 thành một địa điểm du lịch. 

Bờ sông Bạch Đằng xưa

Để thực hiện được ý nghĩa bao đời của người dândân, chính quyền thành phố cùng sự đóng góp của nhân dân đã quyết tâm xây dựng nên cây cầu quay độc đáo. Cầu sông Hàn được khởi công ngày 02/9/1998 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3/2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất tại Việt Nam. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu đầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

Bến phà ngày xưa đã được thay thế bằng cây cầu mới xây dựng nên với sự đóng góp của người dân thành phố, điều có lẽ không mấy nơi có được. Chính vì thế, hình ảnh cây cầu sông Hàn vắt qua sông không chỉ mang vẻ đẹp hiện đại, đánh dấu sự phát triển mà còn là hiện thân cho ký ức nguyên sơ của người dân Đà Nẵng về buổi đầu gian khó của một thành phố nhỏ sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; là minh chứng cho sức mạnh đồng thuận, sức mạnh của "lòng dân".

Cầu sông Hàn nhìn từ đường Bạch Đằng

Mặc dù trải qua bao nhiêu thời gian phát triển, những công trình kiến trúc đột phá được xây dựng tạo nên tiếng tăm cho thành phố, thì trên logo biểu tượng chính của thành phố Đà Nẵng vẫn là cầu sông Hàn. Đó là niềm tự hào, chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử của thành phố trong thời kì đầu phát triển. 

Logo thành phố Đà Nẵng

Qua thời gian, Đà Nẵng có những bước tiến nhanh, mạnh mẽ, thể hiện vị thế là thành phố phát triển động lực của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Du lịch Đà Nẵng cũng ngày càng được khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách thập phương. Lượng khách đến thành phố đều tăng đều qua các năm; bên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng thì cầu quay sông Hàn quay về đêm cũng là điều thú vị thu hút du khách.

(Hình ảnh sử dụng trong bài viết đều được sưu tầm)

 

Bạn có thể tham khảo thêm nhiều bài viết khác tại Smiletravel

 Đặt vé Bà Nà Hill siêu tiết kiệm

 Ngũ Hành Sơn - danh thắng có một không hai trên thế giới

 Cù Lao Chàm - đảo xanh với chiến dịch 4 không 

Smile Travel

Theo Bunie

Zalo