TẾT ĐOAN NGỌ VÀ NHỮNG THỨC QUÀ ĐỘC ĐÁO CỦA MIỀN TRUNG

14/06/2016 14:430 GMT+7


Giới thiệu và chia sẻ với quý du khách thông tin về ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam và những món ăn đặc biệt của dịp lễ này tại phố cổ Hội An nhằm giúp du khách hiểu hơn cũng như có dịp trải nghiệm và khám phá trong hành trình tham quan của mình.

Dân tộc ta từ ngàn đời nay có truyền thống thờ cúng tổ tiên vô cùng thiêng liêng và lâu đời, truyền thống này đã ăn sâu và máu thịt của người dân như một phần không thể thiếu. Và hằng năm, cứ vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, người người, nhà nhà lại rộn ràng chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ, đây là dịp để người dân thờ cúng tổ tiên, và cùng là khoảng thời gian dành cho các gia đình quây quần bên nhau. Mỗi miền Bắc, Trung, Nam trên dải đất hình chữ S lại có những phong tục và truyền thống riêng. Trong bài viết kì này, Smile Travel sẽ chia sẻ với quý du khách những thông tin về các đặc trưng của Tết Đoan Ngọ tại phố cổ Hội An.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Sâu Bọ xuất phát từ truyền thuyết rằng: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo đến dày đặc ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ chết hết. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Nếu đi vào thời điểm tháng 5 âm lịch, du khách sẽ có dịp khám phá và trải nghiệm không khí ngày tết đoan ngọ tại đây, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống, những thức quà độc đáo chỉ có ở Hội An và cảm nhận không khí linh thiêng ấm cúng bao trùm cả trong và ngoài phố cổ.

Chợ Hội An sáng sớm đã đông, các bà các mẹ tay làn tay xách ra chợ, chỉ muốn mua được những chú vịt thật ngon thật chắc từ các gánh hàng quê, lựa được những chùm vải thiều tươi ngon, mát mắt. Những gánh hàng màu lá chuối khô nhưng lại là tâm điểm của cả vùng chợ phố, chất đầy bánh, những chiếc bánh nho nhỏ thơm lừng mùi nếp mới, nóng hổi đã lâu lắm mới lại xuất hiện ngoan ngoãn theo tay các bà các mẹ về nhà.

BÁNH Ú TRO

Nhắc đến Tết Đoan Ngọ chắc chắn không thể không nhắc đến bánh ú tro hay miền Bắc gọi là bánh Gio - thứ bánh mỗi năm chỉ có một lần vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nguyên liệu chủ yếu để làm bánh ú tro là nếp và nước ngâm tro. Nếp phải là nếp đầu mùa, chắc và ít lép, được vo sạch. Nước ngâm tro thì phải là tro đốt từ cây mè, hoặc nếu là than thì phải lọc thật kĩ. Sau khi tro lắng xuống, phần nước ở trên có màu trong vắt thì chắt ra ngoài và cho nếp vào ngâm 3 ngày đêm, sau đó vo lại với nước sạch và để ráo. Loại lá để gói bánh ú tro là lá sậy. Cứ khoảng một tuần trước Tết Đoan Ngọ, là sậy được bán rất nhiều ngoài chợ, một số gia đình chuyên làm bánh sẽ bắt đầu những công đoạn đầu tiên và sau đó vài ngày, rất nhiều phụ nữ cũng như các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau xúm xít gói bánh, những bàn tay khéo léo làm ra những chiếc bánh nhỏ, đầy đặn mà góc cạnh, hàng trăm, hàng nghìn chiếc bánh được gói trong một ngày, sau đó nấu sôi trong 4 tiếng đồng hồ là bánh vừa chín và không bị nhão.

Những chiếc bánh chín có màu vàng nghệ, thơm và dẻo và thường được ăn với đường trắng, mùi vị thanh nhẹ, vô cùng kích thích vị giác.

Và món bánh này chính là món ăn đặc trưng nhất của Tết Đoan Ngọ và được làm rất phổ biến ở Hội An.

VẢI THIỀU

Không biết có phải là do mùa vải thiều rơi vào đúng thời gian Tết Đoan Ngọ hay không nhưng dường như thứ quả này đã trở thành một dấu hiệu quen thuộc, cứ vào thời điểm nhìn thấy quả vải được bán nhiều ngoài đường, tươi ngon thì người ta lại nhớ ngay đến ngày Tết Đoan Ngọ sắp tới. Vỏ quả mỏng, bên trong có lớp cơm dày và mềm, rất tươi ngon và mát.

THỊT VỊT

Mâm cơm Tết Đoan Ngọ chắc chắn không thể thiếu món thịt vịt, truyền thống từ bao đời nay đã thế, có lẽ vì người dân địa phương quan niệm rằng vào thời điểm này trong năm vịt béo, thịt ngon và không còn mùi hôi. Do đó, thịt vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nấu cháo hay luộc đều rất phổ biến và được yêu thích.

CHÈ KÊ     

Ngoài thịt vịt, chè kê cùng được người dân địa phương rất ưa thích. Kê được xay vỏ, nấu mềm và thêm đường cùng với nước gừng. Chè kê có thể ăn kèm với bánh tráng mè. Và từ xa xưa, món chè này không thể thiếu trong các mâm cổ ngày Tết đặc biệt là dịp Tết Đoan Ngọ tại Hội An.

Có lẽ, những người con phố cổ, không ai có thể quên được mùi vị bánh ú tro, mùi thịt vịt thơm lừng mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, và dù có đi xa đến đâu, cứ mỗi dịp này trong năm mọi người lại tất bật quay về chuẩn bị mâm cơm cúng bái tổ tiên và sum họp với gia đình…..và theo năm tháng trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Hãy thường xuyên update những bài viết chia sẻ của chúng tôi tại trang web chính thức smiletravel.vn để có thêm được nhiều thông tin hữu ích cho chuyến đi của mình nhé!

 

Smile Travel

Theo Smile Travel

Zalo