ĐÀN NAM GIAO VÀ CÂU CHUYỆN VỀ VỊ VUA TƯỢNG TRƯNG TRONG LỄ TẾ GIAO TẠI FESTIVAL HUẾ

05/08/2016 14:420 GMT+7


Giới thiệu về di tích Đàn Nam Giao - Cố đô Huế và câu chuyện thần bí về vị vua tượng trưng trong Lễ tế Giao tại các kì Festival Huế.

 

Nhắc đến Huế chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Chùa Thiên Mụ, Kinh thành Huế, sông Hương hay núi Ngự và bên cạnh đó, di tích Đàn Nam Giao cũng là một trong những điểm nhấn, mang đậm dấu ấn của triều đại phong kiến Nhà Nguyễn, góp phần làm nên nét cổ kính cho cố đô này. Người xưa quan niệm, tam tài bao gồm: trời đất và người hợp lại thành vũ trụ, con người luôn ở giữa, trời là cõi mênh mang hình tròn trên đầu, đất là cõi bao la hình vuông nơi con người tựa vào để làm ra của cải. Tế trời và tế đất là những tục lệ không thể thiếu với người xưa và đàn tế trời đất luôn luôn là một công trình tín ngưỡng cung đình không thể thiếu ít nhất ở Việt Nam là từ thời Lý, Đàn Nam Giao là nơi tế trời, đất, linh vị các tiên đế, đương triều vào một ngày tốt đầu xuân hằng năm và do chính nhà vua trực tiếp tế.

Việt Nam có 5 triều đại phong kiến lập đàn tế Nam Giao gồm: nhà Lý có đàn Nam Giao ở kinh thành Thăng Long, nhà Hồ có Đàn Nam Giao ở Thanh Hóa do Hồ Hán Thương xây dựng trên dãy núi Đốn Sơn vào năm 1402, nhà Lê có Đàn Nam Giao ở Vạn Lại, xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa do vua Lê Thế Tông ( niên hiệu Quang Hưng thứ nhất 1578) xây dựng, nhà Tây Sơn có Đàn Nam Giao ở kinh đô Phú Xuân và đàn Nam Giao ở kinh thành Huế do Vương triều nhà Nguyễn xây dựng vào năm 1806

Đàn Nam Giao ở kinh thành Huế là di tích tế trời đất duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn ở nước ta cho đến thời điểm này. Ở Huế xưa nay có 4 vị trí xây đàn Nam Giao khác nhau để các vua chúa lên tế trời hằng năm hoặc 3 năm 1 lần. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), đàn tế trời được thiết lập ở một khoảng đất thuộc làng Kim Long, qua thời Tây Sơn (1788-1801), lễ tế trời được diễn ra ở một ngọn đồi gần phía tây núi Ngự bình, gọi là hòn Thiêng hay núi ba tầng, đến thời các vua nhà nguyễn, ngay sau khi lên Ngôi 1803, vua Gia Long cho đắp đàn ở làng An Ninh vào nam 1803 để tế trời, nhưng sau đó 3 năm, triều đình nhà Nguyễn lại bỏ địa điểm đó để xây dựng đàn tế trời khác ở làng Dương Xuân, phía Nam của kinh thành nay là phường Trường An, thành phố Huế.  Đàn tế trời lộ thiên này được khởi công xây dựng vào ngày 25/3/1806 do thống chế Phạm Văn Nhân đứng ra điều khiển.

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích đến 10ha. Trung tâm của khuôn viên đàn Nam Giao là Giao đàn, hướng về phía nam, chữ Giao có nghĩa là vùng đất xung quanh kinh thành, nên được gọi là Đàn Nam Giao gồm 3 tầng: tầng trên cùng là Viên đàn, xây thành hình tròn, tượng trưng cho Trời; hai tầng dưới là Phương đàn, xây thành hình vuông, tượng trưng cho Đất, lối kiến trúc thuận theo thuyết tam tài : thiên địa nhân. Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi chính trong lễ tế Nam Giao. Ở phía tây nam của Giao đàn là Trai cung, xây dựng theo thế "tọa bắc hướng nam", là nơi nhà vua trai giới thanh tịnh trước khi hành lễ. Ngoài ra còn có Thần khố là kho cất giữ đồ tế khí, Thần trù là nhà bếp chuẩn bị đồ tế lễ, nằm ở phía đông bắc của Giao đàn. Trong khuôn viên của Đàn Nam Giao ngày xưa trồng rất nhiều thông, một loại cây tượng trưng cho người quân tử. Khi mới xây đàn xong người ta trồng một cụm thông đứng biệt lập ở phía Nam để tượng trưng cho vua Gia Long. Tại khuôn viên này, mỗi hoàng thân và quan lớn đều phải trồng một cây, ở mỗi cây treo một tấm thẻ bằng đồng hoặc bằng đá khắc tên của người trồng. 1834, vua Minh Mạng cũng đã tự tay trồng 10 cây thông ở gần trai cung và đến bây giờ một rừng thông xanh ngắt bọc lấy toàn bộ khuôn viên đàn Nam Giao.

Trai cung

Thời gian công trình hoàn thành không được sử sách ghi lại, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng công trình Đàn Nam Giao ngày được hoàn thành vào cuối năm 1806 bởi Lễ tế Giao đầu tiên của triều đình Gia Long được tổ chức tại đây vào năm 1807.

Sau khi nhà Nguyễn chính thức cáo chung vào tháng 8 năm 1945, đàn Nam Giao không được sử dụng đúng mục đích, dần dần đổ nát, hoang phế qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam ác liệt, giống như nhiều di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế. Năm 1993, đàn Nam Giao nhà Nguyễn nằm trong danh mục 16 di tích có giá trị toàn cầu nổi bật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 1997, đàn được Bộ Văn hóa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và được trùng tu tôn tạo bước đầu.

Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng, Tế Nam Giao được quan niệm là lễ tạ ơn, báo cáo với trời đất về sự hiện diện của vương triều, cầu mong sự trường tồn của một thời đại, sự thịnh vượng của quốc gia, quốc thái dân an.

Ngoài triều Trần, các triều đại khác như Lý, Hồ, Lê cho đến Lê Trung Hưng, rồi các chúa Nguyễn ở miền Nam cho đến triều Tây Sơn đều tổ chức Lễ tế Giao. Sang thời Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có qui mô và quan trọng nhất của triều đình. Ở đây, nhà Nguyễn cho hợp tế cả trời, đất và tổ tiên. Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào thượng tuần tháng 2 Âm Lịch, mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn tại đây là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945. Tế Nam Giao là buổi tế quan trọng nhất trong năm của triều đình, nên việc tổ chức Tế Giao được chuẩn bị rất cẩn trọng. Thông thường, sau khi ngày tế Giao đã được ấn định, triều đình sẽ thực hiện tiếp thủ tục kỳ cáo trời đất. Tuân lệnh vua, khâm mạng đại thần là người kính báo với trời đất rằng: vào ngày ...tháng ... đó vua sẽ đến tế lễ trọng thể. Đặc biệt, trước khi tiến hành tế Nam Giao, triều đình còn phải làm lễ cáo với tiên đế trước lễ chính thức hai ngày.

Do tính chất quan trọng của buổi lễ, thành phần quan lại trong buổi lễ đều được vua chỉ định theo sự đề cử của thượng thư bộ Lễ.Vua, được mệnh danh là thiên tử, tức con của trời, nhưng không vì “tình thân” ấy mà nhà vua có thể sơ xuất trong các nghi thức cúng tế cha mẹ. Trước khi tế Nam Giao, nhà vua phải hoàn toàn trai giới trong ba ngày. Trong thời gian đó, vua phải ăn chay, nằm đất, xa rời tửu sắc, hướng tâm đến những suy nghĩ trong sáng và một lòng thành kính đối với trời và đất.

Lễ tế Giao được diễn ra vào lúc 2h sáng ngày thượng tuần tháng hai hằng năm, hoặc 3 năm 1 lần, Vào ngày tế, vua phải mặc trang phục của đại lễ gồm long cổn, mũ miện, tay cầm hốt trấn khuê bằng ngọc lên Giao đàn. Vua ngự lên Giao đàn và làm lễ “quán tẩy” (lễ rửa tay) để gột bỏ những thứ không sạch trước khi tế. Sau phần quán tẩy là các nghi lễ quan trọng “lễ phần sài“ế mao huyết” (thiêu nghé và chôn lông, huyết), “lễ thượng hương” (dâng hương), “lễ nghinh thần” (mời thần đến), “lễ điện ngọc bạch” (dâng ngọc và lụa), “lễ tấn trở” (dâng thịt tế), “lễ sơ hiến” (dâng rượu lần đầu), “lễ độc chúc” (đọc chúc văn), “lễ phân hiến”, “lễ Á hiến” (dâng rượu lần thứ hai), “lễ Chung hiến” (dâng rượu lần cuối), “lễ Tứ phúc tộ” (lễ ban rượu và thịt tế), “triệt soạn và phần hoá”, “tống thần”, “tư chúc bạch soạn”, và cuối cùng là “hoàng đế hồi cung”. Các nghi thức diễn ra vô cùng trang nghiêm trong khói hương, lễ phẩm, áo mão, cùng âm nhạc.

Từ Festival Huế 2004, đã bắt đầu tái hiện lại cảnh lễ tế Đàn Nam Giao, nhưng không tái hiện lại lễ tế, chỉ tái hiện quang cảnh đoàn Ngự đạo hồi cung, không có vua. Festival Huế 2006 là festival đầu tiên tái hiện lại toàn cảnh lễ tế Đàn Nam giao, có cả “Vua” làm chủ tế.

Xung quanh việc tìm người làm “Vua” cũng là một vấn đề khá lý thú. Ngày xưa Vua được coi là Thiên tử - là con trời, thay trời trị dân nên đích thân nhà vua phải đứng làm chủ tế để chứng tỏ hiếu nghĩa của một người làm con. “Vua” làm lễ tế, tuyên đọc chúc văn gửi trời đất, thần linh, cầu mong quốc thái dân an. Người dân Huế trang nghiêm thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên khi “vua” tế trời. Thế nhưng tìm người đóng vai vua lúc ấy là điều không dễ. Khó bởi lẽ ai cũng ngại, vì tương truyền, ngày trước có hai lần vua triều Nguyễn “long thể bất an” nên triều đình đã cử hai vị đại thần thay vua tế Nam Giao. Hai vị đại thần này sau đó đều chết một cách khó hiểu. Một chuyện khác, có đoàn làm phim từ Hà Nội vào Điện Thái Hòa, nơi vua thiết triều xưa, để quay chiếc ngai vàng. Ở nơi linh thiêng mà nhiều người trong đoàn mặc quần cộc, áo may ô... Sau khi cắm điện, bấm máy hoài mà đèn không sáng. Nhà văn hóa Huế Mai Khắc Ứng hiểu ngay chuyện, liền chạy đi mua một thẻ nhang, hoa, chuối vào thắp lên khấn, thế là đèn sáng ngay. Các diễn viên sợ đóng vai vua là vì thế.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã họp và quyết định giao nhiệm vụ này cho đạo diễn - NSƯT Ngọc Bình. Quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký tên, đóng dấu hẳn hoi. Lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam đã diễn ra chuyện rất hy hữu : Diễn viên đóng vai vua phải có quyết định của chính quyền!
Cầm quyết định, Ngọc Bình rất lo âu. Dù là đạo diễn, diễn viên giỏi, nhưng anh chỉ đóng vai vua trên sân khấu, còn bây giờ là vua ở lễ tế Giao Đàn, nếu có gì thất thố về tâm linh, không khéo mang vạ. Nhưng vì cấp trên đã tin tưởng giao phó, Ngọc Bình nghĩ mình phải cố gắng làm tròn trách nhiệm. Sau Tết hai vợ chồng Ngọc Bình lặng lẽ sắm lễ vật, vào Thế Miếu dâng cúng, cầu xin tiên đế cho Ngọc Bình được đóng vai vua và đêm trước khi diễn ra lễ hội, vợ chồng Ngọc Bình lại sắm lễ vật, lên đàn Nam Giao cúng cầu trời đất. Ngày xưa, trước khi tế Nam Giao, vua phải trai giới 3 tháng 10 ngày ở Trai Cung để “dọn” sạch mình. Vì thế, Ngọc Bình cũng bắt đầu “chay tịnh” cho đến ngày tế đàn. Với quyết tâm ấy, trong buổi chiều đoàn ngự đạo xuất cung, mọi người đã thấy một thần thái uy nghiêm của một vị vua thật sự trước khi hành lễ. Với diện mạo, cử chỉ thành kính lúc tấu sớ, “vua” Ngọc Bình đã làm cho tất cả những người có mặt tại đàn Nam Giao phải nín thở. Lễ tế lần ấy đã thành công nhờ sự nhập vai xuất sắc của Ngọc Bình. Sau lần làm “Vua” ấy cho đến nay, gia đình NSƯT Ngọc Bình vẫn luôn gặp nhiều điều may mắn, và mỗi kỳ Festival, khi chuẩn bị cho lễ tế Nam Giao, cái tên Ngọc Bình luôn được nhắc tới.

Mùa Festival Huế năm 2004, lần đầu tiên sau gần 60 năm vắng bóng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao triều Nguyễn và đây tiếp tục là điểm nhấn trong các mùa Festival Huế nhiều năm sau.

Trong nhịp sống sôi động của đất nước đang vươn mình ra biển lớn, việc tổ chức một lễ tế hoành tráng, trang trọng và linh thiêng như lễ tế Nam Giao thật sự là một khoảng lặng để mỗi chúng ta có những giây phút sống chậm lại, chiêm nghiệm, thanh tịnh lòng mình, hướng đến ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no cho tất cả mọi người, sự phồn thịnh, mạnh giàu cho đất nước.

Hãy thường xuyên update thông tin trên trang web chính thức smiletravel.vn để có thêm nhiều thông tin hữu ích cho chuyến du lịch của bạn nhé!

Smile Travel

Theo Smile Travel

Zalo